Hiển thị các bài đăng có nhãn GD HƯỚNG NGHIỆP. Hiển thị tất cả bài đăng

HỌC CÁCH ĐỂ TỰ TIN HƠN

Tự tin là vũ khí sắc bén và rất hữu ích trên con đường tiến đến thành công. Bạn có tự tin vào bản thân không? Nếu không, bạn hãy thử tham khảo những cách sau

Học cách để tự tin hơn
Học cách để tự tin hơn
1. Tìm ra điểm mạnh của bản thân
 
Mọi người đều tốt và mạnh ở một điểm gì đó và bạn cũng không là ngoại lệ. Đó là lý do tại sao bạn nên tìm một điều gì đó mạnh, xuất sắc ở bản thân. Khi bạn nhận ra mình có điều gì đó tuyệt vời, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn. Tự tin hơn sẽ giúp bạn bắt đầu cuộc sống của mình. 
 
2. Tránh xa những người không thích bạn
 
Khi bạn gặp gỡ, nói chuyện với những người không thích mình, bạn sẽ dễ nghĩ đến những điều tồi tệ về bản thân mình. Họ sẽ chê bai và cảm thấy khó chịu dù bạn có làm gì, có đối xử tốt với họ như thế nào. Vì vậy, hãy tránh xa những người không thích bạn, họ chê bai bạn có thể chỉ vì họ đang ghen tỵ với bạn.

3. Khám phá bản thân mình
 
Bạn cực kỳ giỏi giang, có thể bạn chưa gặp được hoàn cảnh và cơ hội để chứng minh đều đó. Làm sao để hiểu bản thân mình hơn? Hãy làm những điều mới, bắt đầu nói quen mới, học tập những kỹ năng mới. Một khi bạn đã khám phá ra chính mình, bạn sẽ không thấy có gì đáng ngạc nhiên cả. Và điều đó khiến bạn tự tin hơn rất nhiều.
 
4. Nói chuyện với chính mình
 
Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng nói chuyện với chính mình là một cách tuyệt vời để thúc đẩy sự tự tin của bạn. Cũng giống như việc khám phá ra chính bản thân mình, nói chuyện với chính mình làm bạn tự tin hơn. Nếu bạn muốn tự tin hơn, hãy đứng trước gương và tự nhủ về tất cả những điều bạn cảm thấy tự tin về bản thân mình. Hãy thừa nhận và tự hào về những điều tốt đẹp về bản thân mình. 

5. Đề ra mục tiêu và đạt được mục tiêu đó
 
Khi bạn đặt ra mục tiêu cho chính mình, và khi bạn đạt được mục tiêu đó, bạn rất dễ cảm thấy tự tin và tự hào về bản thân. Hãy đặt ra mục tiêu và đạt được mục tiêu đó, bạn sẽ thấy ngạc nhiên vì mình đã tự tin hơn rất nhiều.  
 
6. Ăn mặc đẹp
 
Ăn mặc đẹp là cách đơn giản để làm tăng sự tự tin của chính mình. Khi bạn ăn mặc đẹp, độc đáo, bạn sẽ nhận được được nhiều lời khen ngợi, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Hãy đi guốc cao, đứng thẳng, ngẩng cao đầu và tự hào rằng trông bạn thật tuyệt. Ăn mặc tuềnh toàng và đầu tóc bù xù sẽ không tạo nên sự tự tin cho bạn đâu. 
 
7. Đón nhận những lời khen
 
Thường thì bạn cảm thấy xấu hổ và nghi ngờ khi nhận được những lời khen. Thay vì có những suy nghĩ tiêu cực về những lời khen ấy, hãy đón nhận và suy nghĩ tích cực hơn về bản thân. Dấu hiệu thực sự của sự tự tin là đón nhận những lời khen ngợi. Thậm chí nếu bạn không tin rằng lời khen đó là dành cho mình cũng đừng vội phủ nhận điều đó. Vì cuối cùng, sau khi chấp nhận những lời khen, bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn về bản thân mình. 

NGHỆ THUẬT NÓI CHUYỆN THU PHỤC LÒNG NGƯỜI

Nói chuyện là cách thức để ta tiếp cận với mọi người. Nhưng nói làm sao để có thể thu phục lòng người thì là một nghệ thuật mà bạn luôn luôn phải để ý và rèn luyện

Nghệ thuật nói chuyện thu phục lòng người
Nghệ thuật nói chuyện thu phục lòng người
Trước hết chúng ta hãy học từ những đúc rút bằng kinh nghiệm của cha ông ta để lại

1. Việc gấp, từ từ nói.

hi bạn gặp phải một chuyện gấp gáp, hãy bình tĩnh suy nghĩ một chút, sau đó từ từ nói rõ ngọn ngành, cách nói này sẽ khiến cho người nghe cảm thấy ổn định, từ đó tăng thêm tín tâm đối với bạn.

2. Việc nhỏ, nói hài hước.

Đặc biệt là một vài lời nhắc nhở có thiện ý, bạn nên dùng những câu nói đùa hài hước, nó sẽ khiến người nghe không cảm thấy cứng nhắc, không những vui vẻ chấp nhận lời nhắc nhở mà còn tăng thêm thiện chí.

3. Việc chưa hiểu rõ, cẩn thận mà nói.

Đối với những việc chưa nắm rõ, nếu không nói, người khác sẽ cảm thấy bạn giả dối, nhưng khi đã quyết định nói thì bạn diễn đạt cẩn thận, cân nhắc từng lời, những lời này sẽ khiến người nghe cảm thấy bạn là người đáng tin cậy.

4. Việc chưa xảy ra, không nên nói linh tinh.

Con người ghét nhất lối ăn nói hàm hồ, nếu là người không bao giờ nói năng tùy tiện, biết cân nhắc thiệt hơn, phải trái trước khi nói, bạn sẽ khiến mọi người cảm thấy mình là người trưởng thành, có tu dưỡng, chăm chỉ, và có trách nhiệm.

5. Việc chưa làm, đừng nói lung tung.

Tục ngữ có câu “không có khoan kim cương, thì đừng mong ôm nghề đồ gốm”, thế nên bạn không nên hứa làm điều gì mà chưa chắc bản thân có thể làm được. Điều này sẽ khiến người nghe cảm thấy bạn là người “nói là tin, làm là được”, và sẽ đặt hết niềm tin vào bạn.

6. Việc tổn thương người khác, đừng nói.

Không nên nói những chuyện làm tổn thương người khác, đặc biệt là người thân. Như vậy mọi người sẽ cảm thấy bạn là người lương thiện, theo đó tình cảm gia đình ngày thêm gắn bó.

7. Với những việc đau lòng, không nên gặp ai cũng nói.

Khi ai đó bị tổn thương trong lòng, họ sẽ muốn thổ lộ với người khác, nhưng nếu cứ gặp ai cũng nói, thi vô tình điều này sẽ khiến người nghe phải chịu một áp lực lớn, rất dễ sinh tâm nghi ngờ và xa lánh. Đồng thời, bạn sẽ để lại ấn tượng muốn trút bỏ đau khổ lên người khác.

8. Việc của người khác, nên cẩn thận khi nói.

Giữa người với người cần phải có khoảng cách an toàn, không nên bình luận hay nói ra những chuyện của người khác, điều này sẽ mang lại cảm giác an toàn cho những người mà bạn giao tiếp.

9. Người khác nói về mình, hãy lắng nghe.

Bạn nên lắng nghe quan điểm hoặc cảm nhận của người khác đối với mình, theo đó họ sẽ thấy ấn tượng về bạn, đồng thời việc này cũng biểu hiện rằng bạn là một con người thấu tình đạt lý.

10. Chuyện của con cái, cần nói rõ ràng.

Đặc biệt là khi con bạn còn ở độ tuổi thanh thiếu niên, chúng rất dễ bị kích động, bạn hãy dùng thái độ vừa ôn hòa vừa kiên định để nói rõ mọi chuyện với chúng, điều đó có thể giúp bạn gây thiện cảm với các con, qua đó chúng sẽ coi cha mẹ như một người bạn.
Nguồn tin: Trang Vietnamnet

NÊN SỬ DỤNG THỜI GIAN NHƯ THẾ NÀO?


Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu từng nói: "Hỡi thanh niên, hãy bán cho tôi một năm tuổi trẻ, tôi sẽ trả cho bạn một tỉ đô Singapore". Bạn đang có tuổi trẻ nhưng bạn có đang sử dụng thời gian hợp lý không?
Nên sử dụng thời gian như thế nào?
Nên sử dụng thời gian như thế nào?
Bất cứ ai đã qua thời tuổi trẻ đều thấy rằng đó là khoảng thời gian đẹp nhất của cuộc đời. Nhưng trong đó cũng có người ngậm ngùi hối tiếc vì đã chẳng làm gì có ích cho bản thân và để thời gian trôi đi vô ích.
Bạn đang có tuổi trẻ. Bạn có đang để thời gian chết? Vậy làm thế nào sắp xếp thời gian hợp lý để có thể làm những điều có ích như tìm việc làm thêm, tham gia các hoạt động xã hội, đi học Tiếng Anh,...
Các bạn tham khảo một số kinh nghiệm sau

Biết đặt mục tiêu

Sống không có mục tiêu cũng giống như bạn ngồi trên xe bus mà không biết sẽ xuống ở trạm nào. Hãy bắt đầu bằng việc đặt những mục tiêu ngắn hạn như trong 1 ngày, trong 1 tuần, 1 tháng, 1 kỳ học phải làm được những gì, hoàn thành những việc nào. Khi đã có những gạch đầu dòng rõ ràng về các mục tiêu của bản thân, bạn sẽ biết mình phải dành thời gian để làm gì. Việc làm này cũng giúp bạn vạch ra con đường đi cho chính mình mà không phải mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, lựa chọn và quyết định.

Đưa ra danh sách việc cần làm

Cách tốt nhất để hoàn thành các mục tiêu và sử dụng quỹ thời gian của một ngày hiệu quả nhất là hãy đưa ra danh sách những việc cần làm. Hãy tạo thói quen vào buổi sáng giành 5 - 10 phút để viết ra giấy những việc phải hoàn thành và thống kê lại kết quả vào cuối ngày. Tất nhiên, thực tế những gì diễn ra mỗi ngày không phải lúc nào cũng giống như những gì chúng ta đã "lập trình", sẽ có những việc phát sinh mới mà không thể lường trước, nhưng bạn hãy luôn cố gắng để thực hiện được việc quan trọng đã đề ra trong ngày.

Biết ưu tiên công việc

Bạn đã đọc câu chuyện "Chiếc bình đá, sỏi, cát và nước" chưa? Câu chuyện này đặt ra một "đề bài" là làm thế nào để xếp đá, sỏi, cát và nước vào trong cùng một chiếc bình nhỏ. Đáp án là bạn phải xếp những viên đá to vào trước, sau đó sỏi (sỏi nhỏ hơn đá nên sẽ lọt vào những khe trống trong bình do đá tạo ra); tiếp theo là cát (cát là những hạt rất nhỏ nên sẽ lấp đầy các khoảng trống giữa đá, sỏi); cuối cùng là đổ nước vào. Chỉ cần biết cách sắp xếp, bạn sẽ tận dụng tất cả không gian trong chiếc bình. Sắp xếp công việc trong một ngày có quá nhiều việc để làm cũng tương tự như vậy. Cần ưu tiên làm những việc quan trọng, cần thiết trước, sau đó là những việc ít cần thiết, ít quan trọng hơn…

Không thỏa hiệp với bản thân

"Việc hôm nay chớ để ngày mai" nhưng hầu như trong chúng ta đều có thói quen tự thỏa hiệp với chính mình với suy nghĩ: "Để làm sau cũng được!". Mỗi buổi sáng bạn thường tự tắt báo thức và ngủ tiếp?; gần tới ngày thi nhưng vẫn cố xem nốt một bộ phim?... Càng nuông chiều, dễ dãi với bản thân bạn sẽ càng lãng phí thời gian vô ích, cuối cùng công việc lại chồng chất và bạn phải giải quyết trong tình trạng "nước đến chân mới nhảy", tất nhiên hiệu quả công việc không bao giờ được như ý muốn.

Mỗi giây trôi qua không bao giờ lấy lại được, vì vậy trước khi làm việc gì bạn nên có kế hoạch cụ thể để quản lý thời gian một cách khoa học nhất, tránh bị lãng phí thời gian vô ích.
Nguồn tin: Sưu tầm

TẠI SAO SINH VIÊN KHÔNG YÊU THÍCH NGÀNH HỌC?


Sinh viên không yêu thích ngành học có nguyên nhân rất lớn do chọn ngành học không phù hợp với thiên hướng, đam mê của mình. Nhưng sinh viên chọn ngành học bị tác động bởi những lý do gì?
Tại sao sinh viên không yêu thích ngành học?
Tại sao sinh viên không yêu thích ngành học?

Chọn nghề vì bố mẹ

Với nhiều sinh viên, được học ngành theo sở thích, nguyện vọng là một động lực to lớn để phấn đấu, rèn nghề trong suốt những năm học đại học. Nhưng bên cạnh đó, không ít sinh viên lại khá mơ hồ, chạy theo đám đông và theo điểm số vì cảm thấy với mức điểm của mình có thể nhiều cơ hội đỗ vào trường này, trường kia. Nhưng cũng không ít sinh viên được hỏi và trả lời “Chọn ngành vì sau này ra trường có người nhà lo việc” đang trở nên phổ biến.

Tại trường Đại học Thủy lợi, sinh viên năm nhất Vũ Văn Đức, khoa Công nghệ kỹ thuật - vật liệu xây dựng cho hay: “Thật sự thì em không thích học ngành này. Ước mơ sau này của em là trở thành nhà báo. Nhưng vì sau này ra trường có người lo việc cho em nên phải học ngành mà em không thích”.

Bạn Phạm Thị Thủy Tiên sinh viên năm nhất, Đại học Giao thông vận tải cũng cho biết: “Em học ngành này là do bố mẹ sắp xếp trước. Chỉ cần học xong, lấy bằng, công việc đã có bố mẹ lo. Hiện tại em không hề có đam mê, yêu thích ngành kỹ thuật”.

Không chỉ các bạn học sinh, sinh viên thụ động trong việc chọn ngành, chọn nghề của mình mà với nhiều bậc phụ huynh cũng “tự động sắp xếp”, “vẽ sẵn cuộc đời” của con cái sau này.

Bác Lê Phúc Anh (58 tuổi), là giáo viên tại trường Trung học cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy chia sẻ: “Con nhà bác sắp tới thi đại học. Bác đã định hướng sẵn cho em thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội rồi. Học sư phạm bác mới lo được công việc sau này. Vợ chồng bác cùng là giáo viên, vẫn thuận tiện xin việc hơn. Công việc lại ổn định, không kể nắng mưa”.

Ngược lại với các bạn trên, nhiều sinh viên hiện nay, đằng sau niềm đam mê, khát vọng đó là một nỗi lo lớn về công việc tương lai.

Bạn Vương Thị Linh, sinh viên năm 2 khoa Kế toán, trường Đại học Giao thông vận tải cho biết: “Từ nhỏ mình đã thích học Toán, lớn lên mình chọn nghề kế toán luôn. Học thì rất thích nhưng sau này ra trường tìm việc làm mình rất lo vì phải cạnh tranh với nhiều bạn khác”.

Đồng quan điềm với Linh, bạn Nguyễn Thùy Dung, khoa Triết, Học viện Báo chí và tuyên truyền có cái nhìn lạc quan hơn về công việc sau này: “Học Triết là mình tự lựa chọn. Gia đình mình cũng chẳng có ai làm nghề liên quan đến ngành này cả. Sau này ra mình cũng không lo lắng lắm về công việc, vì có việc hay không là ở bản thân mình”.

Miễn cưỡng chọn ngành vì điểm số

Đổi mới trong kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2015 ảnh hưởng rất nhiều đến việc chọn trường, chọn nghề của nhiều phụ huynh, học sinh. Tâm lý chạy đua vào các ngành, trường căn cứ điểm số đã hoàn toàn lấn át tâm lý chọn trường, ngành theo sở trường của các học sinh.

Trong số những sinh viên được hỏi, rất đông các bạn đều trả lời rằng: “Trong những ngày cuối cùng đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học, cao đẳng em và gia đình đã phải lên trường rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng vì sợ điểm của mình không đủ để vào trường”.

Bạn Trần Ngọc Phúc, khóa 56, Đại học Giao thông vận tải tâm sự: “Vừa rồi mình chọn thi khối B, mình nộp nguyện vọng 1 vào ngành Y đa khoa, Đại học Y Hà Nội. Nhưng những ngày cuối cùng, sợ điểm không đủ để vào trường Y, nên mình rút hồ sơ, nộp vào khoa Công trình. Đây chưa phải là nghề mình yêu thích và đam mê. Sau hơn 2 tháng học tập ở trường, thực sự mình cũng chưa hiểu rõ về nghề mình theo học”.

Không may mắn như Phúc, Nguyễn Thị Thúy Nga, cựu học sinh THPT B Kim Bảng (tỉnh Hà Nam) đã có những ngày “kinh hoàng” trong việc chạy rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng học.

Thúy Nga kể: “Trong kỳ thi Quốc gia vừa rồi em được 20,25 điểm. Với số điểm này em nộp hồ sơ vào trường Đại học Ngoại Ngữ, ĐHQG Hà Nội theo nguyện vọng của gia đình. Nhưng đến những ngày gần cuối thấy tình hình không khả quan, em và anh trai đã chạy lên trường xin rút hồ sơ nộp vào trường Đại học Hà Nội. Sáng hôm trước nộp xong, hôm sau lại từ quê lên rút nộp vào nộp vào Đại học Thương mại. Cuối cùng lại chẳng đỗ trường nào. Giờ em đang ôn lại để năm sau thi vào Đại học Hà Nội”.

Còn Bùi Thị Vân học Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết: “Kỳ thi năm nay nhiều bạn điểm cao nên để đạt được đúng nguyện vọng là rất khó. Em thấy trường này có khả năng cao trúng tuyển, em nộp hồ sơ và đỗ. Kiếm một chỗ để học trước đã rồi sau này muốn thay đổi thì tính tiếp”.

Trái ngược với các bạn trên, từ cấp 2, Trương Ninh đã có ước mơ trở thành nhà báo, thích hình ảnh nhà báo vai đeo túi, tay cầm máy ảnh, máy ghi âm kỹ thuật số. Cô quyết tâm học, theo đuổi đam mê và thi đỗ vào Học viện Báo chí. Nhưng khi học đến năm 3, sau những lần đi thực tế viết bài, cô mới nhận ra “Mình là mẫu người phụ nữ của gia đình” chứ không phải là cô phóng viên suốt ngày chạy xe, đeo túi, balo ngoài đường... Giờ đây, khi đã hoàn thành xong khóa học 4 năm tại trường, Ninh đã tìm được cho mình một công việc nhẹ nhàng và ổn định hơn.

Chắc chắn, tình trạng sinh viên không định hướng nghề nghiệp, tình trạng thất nghiệp sau khi ra trường sẽ còn gia tăng với cách chọn trường, chọn nghề đại khái, theo phong trào của nhiều thí sinh. Một kỳ thi tuyển sinh đại học lại sắp bắt đầu. Hàng trăm cơ hội ngành nghề hấp dẫn để sỹ tử có thể lựa chọn đăng ký.

Lựa chọn ngành học phù hợp tránh theo phong trào, mốt và ý thức hướng nghiệp ngay của gia đình và nhà trường ngay từ năm đầu đại học sẽ tạo cho sinh viên hướng đi đúng đắn trong tương lai.
Nguồn tin: Trang Dân trí

TÌM HIỂU VỀ NGÀNH BÁC SĨ TÂM LÝ


Giữ sứ mệnh đồng hành, định hình và cân bằng những cảm xúc “xáo trộn” của con người trong nhịp sống hiện đại, Tâm lý học nổi lên là 1 trong 10 ngành nghề đắt giá nhất của thời kỳ hội nhập.
Tìm hiểu về ngành Bác sĩ tâm lý
Tìm hiểu về ngành Bác sĩ tâm lý

Đón đầu thành công với vai trò của những “bác sĩ tâm hồn”

Cùng với sự phát triển không ngừng của nền kinh tế - xã hội hiện đại, đời sống tinh thần của con người ngày càng phong phú và trở thành thế giới kỳ bí để nghiên cứu, lý giải. Ngày nay, con người phải đối diện với nhiều áp lực hơn, các hiện tượng tâm lý và chứng bệnh thời đại: trầm cảm, stress, rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, tự kỷ, bạo lực học đường,... ngày càng diễn biến phức tạp. Nhu cầu được thấu hiểu, tư vấn, chia sẻ tâm lý theo đó cũng tăng cao.

Đây được xem là thách thức lớn của xã hội nhưng lại là “cơ hội vàng” để các nhà tâm lý tương lai nắm bắt cơ hội và định vị bản thân thành công đối với ngành học giữ vị trí hàng đầu về nhu cầu nhân lực này. Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong giai đoạn 2015 đến 2020 nhu cầu nhân lực của ngành Tâm lý học là rất lớn, riêng TP.HCM cần đến hàng ngàn người/năm.

Nếu giao tiếp là chìa khóa của mọi thành công thì việc thấu hiểu tâm lý người đối diện chính là mấu chốt của mọi quan hệ giao tiếp. Với đặc trưng “thấu hiểu – giao tiếp”, “tư vấn – trị liệu”, nhà Tâm lý học được ví von như những “bác sĩ tâm hồn” giữ vai trò đồng hành và đề ra các giải pháp trị liệu phù hợp giúp người bệnh ổn định tâm lý, tìm lại động lực và hạnh phúc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Cử nhân Tâm lý học có cơ hội được “chào mời” với nhiều lựa chọn công việc hấp dẫn như: chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học, đài phát thanh, đài truyền hình; quản lý tuyển dụng nhân sự, chăm sóc khách hàng, công tác văn hóa tại các doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội; giảng dạy, nghiên cứu tâm lý trong các trường học, trung tâm, viện nghiên cứu.

Theo khảo sát, 7 - 10 triệu đồng/tháng là mức lương bình quân của các cử nhân Tâm lý học và họ luôn có cơ hội tăng cao thu nhập nếu năng động nắm bắt, đảm nhận thêm những công việc hấp dẫn khác như: diễn giả kỹ năng mềm, nhà diễn thuyết tâm lý, chuyên viên tư vấn – trị liệu tâm lý tại nhà,…

Một số nghề nghiệp trong ngành tâm lý học

Hiện nay ở nước ta chưa có chức danh dành cho chuyên ngành tâm lý học. Tuy nhiên trên thực tế thì những sinh viên tâm lý sau khi tốt nghiệp có không ít cơ hội việc làm.

Nhà tâm lý học đường

Làm việc tại các trường học. Công việc chính của họ là tham gia vào việc phòng ngừa những khó khăn, thất bại trong học tập cũng như trong đời sống tinh thần của học sinh. Từ đó góp phần giúp cho học sính giải tỏa được những khúc mắc trong đời sống, có thành tích tốt hơn trong học tập.

Nhà trị liệu tâm lý

Làm việc tại các bệnh viện tâm thần cũng như các bệnh viện, các trung tâm trị liệu khác v.v... Nhà trị liệu tâm lý hỗ trợ cho nhà tâm lý học hoặc các bác sĩ tâm thần. Đôi khi họ có thể làm việc độc lập. Họ giúp cho người có nhu cầu trị liệu phân tích, hiểu và giải quyết những mâu thuẫn tâm lý bên ngoài (mâu thuẫn với người khác) cũng như những khó khăn tâm lý mang tính nội sinh.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, nhà trị liệu tâm lý có thể áp dụng các phương pháp trị liệu khác nhau như trị liệu hành vi, trị liệu theo phương pháp nhận thức, phân tâm, trị liệu gia đình v.v...

Chuyên viên tham vấn

Các chuyên viên tham vấn có môi trường làm việc rất rộng, tại các trung tâm tư vấn, các đường dây tư vấn nóng như 1080, 1088, 1900... hoặc các dự án phi chính phủ v.v... Công việc của các chuyên viên tư vấn thường liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong các lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình. Công việc của họ thường là gặp gỡ, trò chuyện để giúp cho người có nhu cầu nhận thức được vấn đề của mình và tự tìm ra được cách giải quyết phù hợp nhất. Thường họ không đưa ra cách thức tiến hành, thậm chí cả lời khuyên để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Nhà tâm lý học

Các nhà tâm lý học làm việc tại các viện nghiên cứu trung tâm nghiên cứu, các Trường đại học và cao đẳng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, công ty quảng cáo, truyền thông v.v...
Công việc của các nhà tâm lý học cũng rất đa dạng. Họ có thể làm công tác nghiên cứu, giảng dạy hoặc tham gia vào việc hoạch định các chính sách liên quan đến đời sống tâm lý được ứng dụng trong các hoạt động quản trị, kinh doanh v.v... Nhà tâm lý học cũng có thể tham gia vào các dự án, các chương trình của các tổ chức trong và ngoài nước, tổ chức phi chính phủ v.v...
Nhà tâm lý học thường chuyên vào một lĩnh vực cụ thể nào đó.

Các yêu cầu của một nhà tâm lý học

Kiến thức

- Có kiến thức phong phú về các lĩnh vực văn hóa, xã hội
- Có hiểu biết rộng về các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội hàng ngày

Kỹ năng

- Có kỹ năng xử lý thông tin, khả năng phân tích, tổng hợp vấn đề

Khả năng

- Có khả năng chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu vấn đề
- Có khả năng thuyết phục khéo léo, nhẹ nhàng trong giao tiếp, diễn đạt tốt

Thái độ

- Trung thực, tôn trọng người khác, khách quan, không nhận xét, đánh giá đối với những khúc mắc tâm lý của người khác, nhạy cảm
- Cởi mở
- Chịu được áp lực cao trong công việc
- Kiên nhẫn
- Biết lắng nghe

Một số địa chỉ đào tạo

Khoa Tâm lý học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên v.v...

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Làm việc trong ngành này đòi hỏi bạn phải tiếp xúc nhiều với mọi người, mọi đối tượng xã hội. Người làm nghề tâm lý phải có kiến thức vững vàng về tâm lý học, có kỹ năng trong nghiên cứu, vận dụng các kiến thức vào thực tế, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng lắng nghe, phản hồi, có thái độ thận trọng, tận tâm, công bằng trong công việc.

Những người được đào tạo cơ bản về tâm lý học có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, xã hội: trong các cơ sở đào tạo (làm giáo viên giảng dạy tâm lý học tại các trường cao đẳng, đại học...); trong các cơ sở nghiên cứu (làm cán bộ nghiên cứu, cán bộ dự án phát triển cộng đồng tại các viện tâm lý học, các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng tâm lý học, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước...); trong các công ty, trung tâm làm dịch vụ tư vấn tâm lý (làm tư vấn viên, cán bộ trị liệu...).

Ngoài ra, với bằng cử nhân tâm lý, bạn cũng có cơ hội việc làm trong các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (nhân viên phòng Nhân sự; phòng Marketting; thiết kế quảng cáo, Nghiên cứu thị trường...); trong các tổ chức đoàn thể (Đoàn Thanh niên, UBND phường, xã...); trong các cơ quan Nhà nước, Chính phủ, bộ ngành (Bộ Công an, Bộ Tư pháp; Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội...); trong các bệnh viện (làm cán bộ trị liệu tâm lý và tư vấn tâm lý cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân...); trong các trường phổ thông (làm cán bộ tư vấn học đường) v.v...

Ngày nay tư vấn tâm lý qua các tổng đài điện thoại cũng rất phổ biến.
Sưu tầm