nhận mình không còn trẻ khi đã ở tuổi 43 “bắt đầu già”, cũng không thể làm Toán liên tục trong thời gian dài vì mệt mỏi, GS Ngô Bảo Châu thử nghiệm nhiều công việc mới như viết văn, dịch thơ, thưởng thức âm nhạc, hội họa. Tuy nhiên, trong chia sẻ của người “coi mình bắt đầu già”, GS Châu luôn trăn trở và suy nghĩ về những vấn đề của thế hệ trẻ, đó là đam mê và “chảy máu chất xám”.
GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Mạnh Thắng.
|
"Toán học mang lại cho tôi cuộc đời"
- Trong một lần nói chuyện với giới trẻ, Giáo sư nói mình trưởng thành vì lòng tự ái. Đó là khi ông thi trượt lớp chuyên Toán và sau đó không muốn gặp lại giáo viên của mình. Đây có phải kỷ niệm đáng nhớ nhất đưa ông đến với Toán học hay còn những câu chuyện thú vị nào khác?
- Câu chuyện xảy ra là một kỷ niệm đáng nhớ, tự ái chỉ là một phần, phần còn lại tôi thích thử thách chính mình. Giai đoạn học THCS rất quan trọng trong việc hướng nghiệp, nhưng đúng vào lúc bắt đầu thích Toán, tôi lại thi trượt. Bấy giờ, tôi lao vào giải Toán, bài càng khó tôi càng thích. Học Toán, nếu không thích và không gặp được những bài khó, thì không thể phát triển.
Với cá nhân tôi, còn có thời điểm quan trọng khác, một trong số đó là lúc tôi buộc phải “làm” thạc sĩ. Thời gian trước đó, khi lên đại học, có những lúc tôi chán Toán, do chuyển từ Toán luyện thi hóc búa sang Toán cao cấp trừu tượng. Có thời điểm, tôi chuyển sang thực tập Tin học 3 tháng nhưng rồi lại quay về với Toán học.
Cuộc đời có nhiều sự may mắn khác nhau. Tôi may mắn khi gặp người thầy Pháp. Mỗi tuần tôi đến gặp thầy, hai thầy trò cùng đọc và chỉ học trong một trang sách. Trải qua một học kỳ, tôi đã thực sự tìm lại được đam mê của mình. Tôi rất biết ơn thầy.
GS Ngô Bảo Châu trong buổi giao lưu với sinh viên Đại học Vinh, Nghệ An. Ảnh: Mạnh Thắng. |
- Toán đã mang cho ông điều gì lớn nhất?
- Cuộc sống của mỗi người đều có một tình yêu lớn. Đối với tôi, Toán học mang lại một cuộc đời có cả niềm vui, đau khổ, thử thách và nỗ lực vượt khó khăn. Toán học mang đến cuộc sống vật chất, sự nghiệp. Toán khiến tôi được ghi nhận và tin vào chính mình.
- Giỏi Toán, Giáo sư có rất nhiều lựa chọn trong công việc, tại sao ông lại chọn trở thành thầy giáo?
- Tôi là nhà khoa học, là người làm Toán, nhưng công việc không thể thiếu đối với tôi là giảng dạy. Tôi dạy Toán vì biết ơn những người thầy có sức ảnh hưởng lớn, đã cho tôi sự tiến bộ, đam mê. Những người thầy đã chỉ cho tôi thấy cái hay, cái đẹp của môn học mình yêu thích. Tôi yêu quý các thầy đến mức, cố gắng học Toán chỉ vì muốn mình đẹp hơn trong mắt thầy.
Nhưng điều tôi trăn trở là vị trí của người thầy trong xã hội Việt Nam hiện nay. Cải cách giáo dục cần quan tâm đến vai trò của người dạy. Bất cứ đất nước nào có nền giáo dục văn minh, tiến bộ, người thầy phải được, tôn trọng và được đảm bảo cuộc sống vật chất.
Có những thời điểm chúng tôi không nhớ sách giáo khoa viết như thế nào nhưng lại nhớ rất rõ kiến thức và hình ảnh thầy dạy mình ra sao! Câu chuyện này đặt dấu hỏi cho những người làm chính sách.
Chất xám chạy về nơi nó muốn ở
- Vừa qua, vấn đề du học sinh, trong đó có những học sinh xuất sắc của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, không chọn về nước mà làm việc ở nước ngoài, gây nhiều tranh luận. Quan điểm của ông như thế nào và làm sao để giữ chân người giỏi?
"Theo tôi, câu hỏi về chảy máu chất xám rất lạ. Vì chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở, nơi chất xám hữu dụng, trong trường hợp nào đó, họ về Việt Nam lại không làm được gì. Điều quan trọng là nhà khoa học phải làm khoa học".
- Tôi thấy câu chuyện này người ta nói đi nói lại nhiều lần, trong khi câu trả lời đã rõ. Nếu tiếp tục tranh luận sẽ không mang lại kết quả gì. Theo tôi, chuyện “đi hay ở” không thể nào có câu trả lời dùng làm nguyên tắc chung để áp dụng cho tất cả mọi người. Bởi ai cũng có cuộc sống riêng, bị chi phối bởi nhiều yếu tố rất khác nhau. Với tất cả những yếu tố này, tôi tin không cần đặt riêng một yếu tố nào lên trên để phân loại đạo đức. Quan niệm này xưa quá rồi.
Mỗi người đều có câu hỏi và sự lựa chọn của riêng mình về chuyện về nước hay ở lại. Không thể dùng chuyện của một người để quy nạp cho tất cả mọi người.
- Giáo sư từng làm việc ở các trường đại học nổi tiếng ở Pháp và Mỹ, họ giải quyết vấn đề “chảy máu chất xám” như thế nào?
- Thực sự chuyện “chảy máu chất xám” của các nước lại tạo sức mạnh cho các trường đại học Mỹ. Họ có rất nhiều giáo sư và các nhà khoa học đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
- Nữ Giáo sư toán thứ hai của Việt Nam – bà Lê Thị Thanh Nhàn - từng nói, lương của đồng nghiệp của bà ở Viện Toán học chỉ 3-4 triệu đồng/tháng. Lương các Giáo sư như thầy của bà cũng chỉ 8-9 triệu đồng/tháng. Đây có phải nguyên nhân chính khiến nhân tài “đi đi, đừng về”?
- Những quốc gia như Việt Nam hay Pháp, lương giáo sư không cao vì phải theo bậc lương do nhà nước quy định. Ở Mỹ, các giáo sư có mức sống cao và dễ dàng hơn nhiều so với châu Âu vì có môi trường cạnh tranh. Tôi so sánh như việc trao đổi cầu thủ, mặc dù so sánh này nghe hơi buồn cười. Tôi có quan điểm, việc cạnh tranh nhân tài luôn có điểm dở, vì bản chất cạnh tranh có thể dẫn đến những tình huống nực cười. Nhưng về cơ bản không có gì xấu.
Theo tôi, câu hỏi về chảy máu chất xám rất lạ. Vì chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở, nơi chất xám hữu dụng, trong trường hợp nào đó, họ về Việt Nam lại không làm được gì. Điều quan trọng là nhà khoa học phải làm khoa học.
Giới trẻ không nên thần tượng đặc biệt ai
- Là người có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, trong đó có dự án Vườn ươm tài năng, ông có thể chia sẻ thêm về những dự định về dự án này trong năm mới?
- Vườn ươm tài năng được thực hiện gần một năm, tôi sẽ tiếp tục làm những gì đã làm tốt trong năm qua và bổ sung trong năm mới. Con người và tài chính đều có hạn nhưng tôi, gia đình và bạn bè sẽ làm những việc thật hữu ích cho thể hệ trẻ. Ví dụ, chúng tôi tổ chức giải cờ, phối hợp các cuộc thi mô hình, kết hợp với các thầy chuyên Toán – Tin A0 (Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội) để đi Phú Yên giảng dạy…
GS Ngô Bảo Châu khuyên các bạn trẻ tự tin lựa chọn con đường đi của mình và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Ảnh: Mạnh Thắng. |
- Việt Nam có nhiều người giỏi, có khả năng đặc biệt về Toán học, có thể theo đuổi sâu về Toán và các ngành khoa học tự nhiên. Nhưng thực tế cuộc sống khiến nhiều bạn trẻ đã từ bỏ đam mê? Giáo sư nghĩ gì về điều này?
- Tôi không phải nhà toán học Việt Nam duy nhất thành danh trên thế giới. Nhiều đồng nghiệp của tôi đang có sự nghiệp rất tốt tại các trường đại học lớn, có những đồng nghiệp trẻ hơn tôi nhưng đã có sự nghiệp rạng rỡ.
Trên thực tế, nhiều học sinh có khả năng trong lĩnh vực Toán học nhưng lại chọn ngành khác. Đó là điều không may mắn. Nhưng điều chúng ta nên làm nhất để các bạn yêu khoa học được thực hiện giấc mơ của mình. Những gì mà tôi và các đồng nghiệp đang làm như sáng lập viện nghiên cứu mới, tổ chức các khoá học bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, tìm kiếm và cấp học bổng để học sinh yêu Toán có nhiều cơ hội hơn, tham gia trao đổi tại nước ngoài... cũng là để giải quyết thực trạng đáng buồn này.
- Vẫn là câu chuyện đam mê, cơ hội nào cho các bạn trẻ muốn gặp Giáo sư ở Đại học Chicago, Mỹ?
- Về việc lấy học bổng du học nước ngoài, tôi lưu ý thư giới thiệu của thầy cô trực tiếp dạy học trò rất quan trọng. Người thầy không chỉ có vai trò lên lớp, mà còn phải dẫn đường cho học sinh đi tiếp. Tôi mong giáo viên ở trường chịu khó làm công việc này. Các thầy cô không nên nghĩ theo cách mình là giáo viên Việt Nam làm sao trường học ở Mỹ biết và tin tưởng. Bởi một trang thư được viết cẩn trọng, chân thật và đúng với cá nhân học sinh về những ưu điểm, khuyết điểm, sẽ tạo thêm cơ hội cho các em.
Tuổi trẻ ngày nay có nhiều sự lựa chọn hơn thế hệ của tôi và bố mẹ tôi, chính vì thế họ cũng chênh vênh hơn. Vì có nhiều con đường nên việc lựa chọn cũng cam go hơn, cần ở các bạn sự can đảm và tinh thần tự chịu trách nhiệm với chính mình.
Trong 4 tháng qua, tôi đã viết 40 thư khác nhau để giới thiệu cho học trò, từ sinh viên đến nghiên cứu sinh, trợ giảng, giáo sư. Có những bức thư mất rất nhiều thời gian nhưng đó là trách nhiệm nghề nghiệp.
Đại học Chicago là trường tư thục, học phí rất đắt, không dưới 50.000 USD/năm. Quá trình chọn lọc của trường rất khắt khe nhưng khó nhất là… không biết họ lựa chọn theo tiêu chí nào. Mỗi năm, nhà trường tiêu tốn khá nhiều tiền cho một nhóm 20-30 người đọc hồ sơ, bài luận, thư giới thiệu của thầy cô… để chọn lọc.
Ở khoa Toán, Đại học Chicago của tôi, hiện có 5-6 nghiên cứu sinh là người Việt Nam. Việc học ở Mỹ không quá khó khăn như “Cá chép vượt Vũ Môn”, nhưng cần có sự đầu tư của gia đình, học hành nghiêm túc, hướng dẫn của thầy cô. Bên cạnh đó, tiếng Anh rất quan trọng.
- Giới trẻ bây giờ có nhiều thần tượng. Thần tượng của Giáo sư lúc trẻ là ai và người đó ảnh hưởng đến ông thế nào?
- Cá nhân tôi nghĩ không nên thần tượng đặc biệt một ai. Thần tượng là cái tốt, cái đẹp, sự tinh khiết của tinh thần con người. Khi thần tượng một cá nhân, chúng ta sẽ biến cá nhân đó thành một hình tượng khác. Mà con người ai cũng có cái tốt, cái xấu. Vì vậy, thần tượng đôi khi có thể trở thành chuyện không hay.
Ảnh: Phượng Nguyễn.
|
- Một năm bắt đầu từ mùa xuân, cuộc đời khởi đầu bằng tuổi trẻ. Giáo sư có lời khuyên gì cho các bạn trẻ vào thời điểm đầu năm mới 2016?
- Tuổi trẻ ngày nay có nhiều sự lựa chọn hơn thế hệ của tôi và bố mẹ tôi, chính vì thế họ cũng chênh vênh hơn. Thời xưa, hầu hết đều không có quyền lựa chọn, đó cũng là cái dở. Vì có nhiều con đường nên việc lựa chọn cũng cam go hơn, cần ở các bạn sự can đảm và tinh thần tự chịu trách nhiệm với chính mình.
Luôn dạy con là người Việt Nam
Đối với tôi và những người làm việc tại nước ngoài, không còn cảm nhận rõ được hồn của Tết cổ truyền như ngày còn ở Việt Nam. Bởi ngày đó ở nước sở tại, mọi người đều phải đi làm. Nhưng gia đình tôi cố gắng duy trì Tết cổ truyền.
Với cá nhân tôi không phải để thương nhớ, tôi không thích sự hoài cảm như vậy. Nhưng việc đoàn tụ gia đình, gặp gỡ bạn bè rất quan trọng, nhất là với con cái chúng tôi, để các con biết Tết cổ truyền ở Việt Nam như thế nào; để các con hiểu, dù sinh ra và lớn lên ở nước ngoài nhưng mình vẫn là người Việt Nam.
Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, cả nhà tôi thường thắp nén hương tưởng nhớ những người thân đã mất. Việc này là sợi dây gắn bó giữa tôi và con cái, giữa con cái và gia đình và đất nước Việt Nam.
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét