(TNO) Giấy nháp và đề thi là hai 'nhân chứng' chân thực nhất về mức độ sáng tạo cũng như cảm xúc đặc biệt khi thí sinh không làm được bài.
Vẽ là hình thức phổ biến khi nhiều thí sinh không muốn hay không có chữ để viết bài. Muôn hình vạn trạng từ hình người đến thú vật, từ cây cỏ đến trăng sao, từ thần tiên đến ma quỷ… không thiếu thứ gì.
Cá biệt, có những thí sinh vẽ hình ảnh rất bậy bạ: người đứng tè bậy, thú cưng đang ị và nhiều thứ không thể đưa lên mặt báo.
Kiểu thứ nhất thường được một số thí sinh chuyển tải hết nỗi lòng chán chường vào một câu, ví dụ như: Haizz, nản vãi; huhu, die thật rồi mẹ ui; mún chết wa; đề này được 3 điểm là phúc cho cả dòng họ; cả 3 môn bị tủ đè gẫy cẳng… Nhiều thí sinh còn đúc rút bốn bước khi thi: bước 1 - đọc đề, bước 2 - chửi thề, bước 3 - xé đề, bước 4 - đi về.
Cũng có những tâm sự rất dài: “Tôi đã rất cố gắng, cố gắng nhiều lắm nhưng tôi đã không làm được. Tôi quá ngu ngốc, quá mải chơi nhưng giờ thì đã muộn, làm được gì cơ chứ. Xin lỗi, điều tôi muốn nói rằng tôi xin lỗi. Xin lỗi tất cả nhất là cha mẹ tôi. Con xin lỗi!”. Phía dưới là những dòng chữ bị mờ nhòe, có lẽ do thí sinh đã khóc trong khi thi.
Kiểu thứ hai, thường thấy ở các sĩ tử khối C. “Giang hồ hiểm ác nuôi anh lớn. Đàn bà phụ bạc dạy ta khôn”, câu “châm ngôn sống” vô cùng hùng hồn của một 9X. Tuy nhiên, gây sốc hơn cả, đó là châm ngôn của thí sinh… nữ.
Có thí sinh còn chế lời bài hát theo tình huống: “Bé ơi ngủ đi, thi sắp xong rồi/ Để những giấc mơ đẹp sẽ luôn bên em/ Bé ơi về quê, em sẽ chăn lợn/ Về thôi, về thôi, sang năm lại đi thi”.
Sau 12 năm học, không ít thí sinh tranh thủ thời gian thi đại học để... luyện chữ: chữ ký, họ tên, chữ thư pháp… Một số thí sinh không tự viết thì tô chi chít chữ xanh chữ đen trong đề thi.
Điều khá thú vị khi xem những tờ “luyện chữ” này là có những bạn viết được rất nhiều kiểu chữ khác nhau: cứng có mềm có, tròn có vuông có, dài có ngắn có… Tài tình hơn là những thí sinh chán luyện chữ ký của mình, ngồi hý hoáy bắt chước chữ ký của giám thị.
Chắc chắn rằng rất nhiều thí sinh phải "cảm ơn" Bộ Giáo dục Đào tạo vì chỉ quy định hình thức kỷ luật đối với thí sinh viết, vẽ các nội dung không liên quan vào bài thi, chứ không quy định trên giấy nháp và đề. Nếu không, các thí sinh không làm được bài sẽ không biết làm gì cho hết 2-3 tiếng trong phòng thi ngoài việc ngủ và ngồi cắn bút.
Lê Quân
Có 0 nhận xét Đăng nhận xét